Làm thế nào để hướng dẫn học sinh chiêm nghiệm
Một trong những điều mình thấy rất biết ơn khi làm fellow ở Teach For Vietnam là mình được học và thực hành rất nhiều thứ để có thể mang đến cho học sinh những trải nghiệm tốt hơn trong học tập.
Với đặc điểm là giáo viên dạy kỹ năng mềm và các hoạt động ngoại khoá, nếu không cùng học sinh chiêm nghiệm sau buổi học thì khi nhìn lại rất dễ xảy ra tình trạng học trò không biết đi hết khoá học thì học được gì. Có rất nhiều mô hình để cùng học sinh nhìn lại buổi học, mọi người có thể search cụm từ “reflective models” để tìm hiểu thêm. Ở bài viết này mình sẽ giới thiệu với mọi người một mẫu chiêm nghiệm mình thường dùng với học sinh của mình:
What happened - Chuyện gì đã xảy ra?
Giáo viên cùng học sinh đi qua những hoạt động của lớp trong 1 - 3 buổi. Nếu học sinh chưa quen với việc kể lại thì có thể tổ chức trò chơi:
Hoạt động nhóm: thi tài xem nhóm nào kể được chi tiết quá trình trải nghiệm trong lớp
Hoạt động cá nhân: giáo viên có thể dẫn dắt bằng câu hỏi cụ thể: ai, cái gì, như thế nào, đã làm gì. Với mỗi câu hỏi, giáo viên đợi học sinh có thời gian ghi ra, nhớ lại rồi mới hỏi tiếp.
So what - Vậy chuyện đó có ý nghĩa gì:
Ở đoạn này, giáo viên hỗ trợ học sinh bằng câu hỏi chiêm nghiệm để gợi mở ra những suy nghĩ, cảm xúc cho học sinh và hướng học sinh đến việc suy nghĩ, phân tích, đánh giá và gán một ý nghĩa cho những điều đã xảy ra. Cái khác của chiêm nghiệm và chuyện "nhớ lại quá khứ tuổi thơ" là chiêm nghiệm mô tả chính xác những gì xảy ra rồi gán cho nó một ý nghĩa. Nhớ lại quá khứ tuổi thơ có thể hơi xa, nhớ không chính xác và chỉ còn đọng lại những gì cho mình ấn tượng.
Now what - Mình sẽ làm gì khác đi trong những lần sau:
Ở phần này, mình thường sử dụng hai câu hỏi
Một điều em sẽ làm khác đi sau buổi hôm này/Sau phần chiêm nghiệm này
Tại sao em chọn làm điều đó chứ không phải là những điều khác?
Nếu chỉ hỏi câu đầu thì học sinh sẽ trả lời khá là ngẫu nhiên (đôi khi đến đó là mình vui lắm rồi dù không biết học sinh làm thật không). Với câu hỏi số 2, thời gian đầu học sinh sẽ trả lời những lý do ví dụ như: nhanh, dễ làm, dễ nhớ, … Nhưng khi quen dần với format chiêm nghiệm cuối buổi, các bạn có thể gọi tên hành động mình làm dựa trên những tiêu chí nguồn lực thời gian, con người,… Từ đó hình thành cho học sinh cách xác định đâu là điều cản trở mình thực hiện, đầu là điều mình cần ưu tiên.
Sau cùng của việc thực hành mô hình chiêm nghiệm này là việc mở cho học sinh góc nhìn chiêm nghiệm (reflection) có nhiều cách, lựa chọn cho mình cách thực hiện phù hợp (mô hình chiêm nghiệm, tần suất chiêm nghiệm). Miễn là sau mỗi trải nghiệm mới, học sinh đều nhìn lại và gán cho nó một bài học là được.