"Làm thế nào nếu chẳng có gì trong tay?"
Hay hoang mang trong công việc quá thì tìm về Cây nghề nghiệp
“Chào bạn, bạn khoẻ không?”
Mình, thú thật là chưa định hình lắm về chuyện sẽ viết những gì ở trang blog này. Những chủ đề mình nghĩ đến cứ lần lượt lướt qua trong tâm trí, những mảnh draft ngày càng nhiều lên nhưng mọi thứ vẫn cứ ở đó, lãng đãng không cách nào thu vén.
Tối qua mình có một buổi gặp gỡ với các bạn ở lớp viết (Lớp viết), nói chuyện một vòng thì câu chuyện bắt đầu theo hướng hoang mang trong công việc, không biết mình thích gì, thấy mình chẳng có gì. Rồi câu chuyện sau đấy đi theo hướng mình chia sẻ những góc nhìn của mình - một đứa đã có chứng chỉ Chuyên viên Giáo dục hướng nghiệp nhưng vẫn-hoang-mang.
Mình không nhớ đã có bao nhiêu lần mình ngồi viết về chủ đề hướng nghiệp cho người lớn (ý là, những người đã có trải nghiệm đi làm, tức là người lớn, ý mình là vậy). Nhưng rồi mình lại so sánh mình với những người đã có thâm niên trong việc viết + thâm niên nghề nghiệp và sự so sánh ấy khiến mình chùn bước trước việc viết về hướng nghiệp.
Buổi gặp gỡ, nói chuyện hôm qua đã cho mình một khởi sự về chuyện viết này, cũng không biết nó có thể trở thành series viết về hướng nghiệp cho người đi làm như mình đã từng hứa không, nhưng chắc chắn là bài đầu tiên - là bài này đây.
Những câu chuyện về nghề nghiệp, đi làm vẫn thường bắt đầu với những băn khoăn và so sánh về sự không đủ đầy của bản thân, thấy mình không có gì trong tay, không có chuyên môn cụ thể, không có cái gì nổi trội, vậy thì đi về đâu để bắt đầu nhỉ?
Câu trả lời của mình là đi về với những gì gần mình nhất, đi với những gì mình mang theo trong suốt những năm tháng dài mình sống trên đời. Những điều mình học được qua từng trải nghiệm ấy là gốc rễ, là cái mỏ neo của chính mình.
Những gốc rễ ấy sẽ được thể hiện rất rõ trong hình dưới đây:

Nhìn hình ta thấy (nghe như kiểu trong bài tập toán hình học ngày xưa ý nhỉ, hic), những gốc rễ, những điều mà mình có thể nuôi dưỡng, phát triển theo thời gian đó chính là: Sở thích, năng lực học tập, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp.
Mình sẽ giải thích sơ lược và lấy ví dụ cho từng dễ cây này nhé. Đầu tiên là Sở thích, năng lực học tập và khả năng vì ba cái này có thể xác định từ khi học cấp 2 được:
Sở thích: Sở thích này là hướng đến sở thích nghề nghiệp, tức là những hoạt động mình làm, mình khám phá thêm về bản thân, đáp ứng nhu cầu học hỏi, phát triển của bản thân. Nó sẽ khác với sở thích mà mọi người hay trả lời là ăn, ngủ, nghỉ ở chỗ đây là những sở thích đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thể chất, những nhu cầu cơ bản của con người. Còn Sở thích trong Cây nghề nghiệp hướng đến những việc mà mình làm quên thời gian, thấy háo hức, thấy ở trạng thái dòng chảy (flow state) luôn ấy. Với ai đó có thể là ngồi lắp ghép mô hình, với mình là chuyện viết, với một em học sinh của mình là thích ngồi lắng nghe người khác tâm sự, kiểu vậy. Khi làm những việc thuộc về phần Sở thích này, mình thấy được sạc pin, thấy háo hức vui sướng khi làm ấy.
Năng lực học tập: Với rễ cây này, mình tham chiếu đến những môn học mình thích và giỏi, có năng khiếu; không nhất thiết phải gắn vào 13 môn học ở trung học phổ thông mà còn là những môn học khác, những kỹ năng khác
Khả năng: Hình dung khả năng là cái mà mình giỏi ấy, giống như là những cái ta làm, làm giỏi hơn một số người khác. Và không nhất thiết bạn phải thích khả năng của bản thân nhé. Việc kết hợp cái bản thân thích + giỏi sẽ cho chúng ta nhiều động lực hơn trong cuộc sống đi làm nhưng nếu bạn giỏi cái bạn không thích thì cũng không sao, quan trọng là xác định được khả năng của mình để xem đâu là cái mình cần vun đắp (thay vì mãi nhìn vào cái bản thân không có hoặc cái bản thân thấy kém cỏi, kiểu vậy, hơi cliché)
Rồi xong ba cái rễ, với 2 cái rễ còn lại là Cá tính và Giá trị nghề nghiệp thì sẽ cần nhiều trải và nghiệm hơn để có thể biết - bản - thân. Tại thời điểm mình đi dạy, mình nhận thấy các bạn học sinh cấp 3 ở thành phố, nhất là những bạn mà tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá có thể xác định được Cá tính sớm hơn những bạn ở nông thôn, những bạn ít tham gia hoạt động ngoại khoá hơn. Nhưng theo vòng quay thời gian, mình nhận ra ít/nhiều trải nghiệm không quan trọng, quan trọng là trải rồi thì (chiêm) nghiệm để đúc rút ra cho bản thân những điều mà khám phá được về chính mình.
OK lan man quá, tập trung thôi:
Cá tính: Mình thường giải thích với học sinh về chuyện cá tính nó gần gần với tính cách. Có những người hướng ngoại, nói nhiều, tính cách phóng khoáng, quảng giao thì nên chọn những công việc mà cũng có những hoạt động phù hợp với tính cách này. Từ việc xác định được Cá tính, mình lựa chọn công việc mà tính chất của công việc đó không khác biệt quá nhiều (Khác quá thì dễ tạo ra mâu thuẫn, đấu tranh nội tâm và nếu không nhận biết mà né tránh thì lâu dần dễ bị các bệnh về tinh thần)
Giá trị nghề nghiệp: Giá trị nghề nghiệp đối với mình lúc đầu là một thứ khá mơ hồ. Mình chỉ lờ mờ thấy việc công ty to hay công ty nhỏ, lương cao hay thấp nó không phải là cái thực sự quan trọng với mình đến thế. Theo thời gian, khi đi làm và chiêm nghiệm lại quá trình nghỉ việc, mình dần nhận ra với mình, khi đi làm, mình muốn phát triển - kết nối - chính trực. Và sau này khi làm fellow ở Teach For Vietnam, mình được biết đây là giá trị nghề nghiệp mà mình hướng đến. Giá trị nghề nghiệp của mỗi người cũng sẽ có phần gần gụi, căn chỉnh với Giá trị cốt lõi mà mỗi người theo đuổi. Đôi khi chuyện mình thấy không phù hợp ở một công việc nó chính là giá trị nghề nghiệp của công việc đó mang đến cho mình đang xung đột với giá trị cốt lõi mà mình theo đuổi.
Rồi, bây giờ quay trở về câu hỏi “Làm thế nào nếu chẳng có gì trong tay?” mình để ở tiêu đề bài viết. Đi qua 5 cái rễ cây, mình mong bạn có thể thấy được ai trong chúng mình cũng đều có những giá trị, năng lực, khả năng riêng mà từ những cái đó, ta có thể tin vào những giá trị của bản thân, tin vào những điều mà ta đang chứa đựng để thấy vẫn đủ đầy, chỉ là chưa tìm đúng cách (Ngồi ở sân bay đợi tàu thuỷ thì cũng khó phết, kiểu vậy…)
Úi suýt quên :D Về cái hình ở trên, thì mình sẽ thấy chuyện lương cao, công ty xịn xò, công việc ổn định đều là quả được kết thành từ những rễ cây bền chặt kia, rễ có chắc thì giông gió bão bùng cây vẫn đó, quả rơi thì thì quả lại mọc chứ rễ mỏng là cây bay mọi người ạ. Nên hãy tin rằng hoa thơm quả ngọt kia là thứ thành quả đi sau, tập trung vô cái rễ cây thôi :”D
Nếu đã đọc đến đây rồi thì mình mong bạn, dù biết hay chưa từng biết đến mô hình này hay chưa, từng tự đặt câu hỏi cho bản thân về mấy cái rễ cây trên hay chưa thì có thể sắp xếp, dành thời gian cho bản thân, check - in bản thân đang ở đâu trên hành trình phát triển nghề nghiệp dài cả một đời này để có thể vững vàng đi khám phá chính mình, khám phá cuộc sống :”)
Bài viết có tham chiếu đến bài viết về Cây nghề nghiệp của Hướng nghiệp Sông An: https://huongnghiepsongan.com/cay-nghe-nghiep/
Bạn có thể ấn xem để có thêm những câu hỏi gợi ý trong việc xác định điều gì làm nên những cái rễ cây của ban thân ở bài viết của HNSA.
Mong rằng bài viết này có ích với bạn.
Chúc bạn một tuần nhiều niềm vui và một tuần mới nhiều trải nghiệm.
Tái bút:
Viết đến đây mình nhận ra mình lần khân mãi chuyện viết này vì mình cứ băn khoăn mãi không biết nó có đủ rõ ràng không, mình có sai hay chưa đủ chín chắn không. Hoá ra bao lâu này không đăng là vì trốn tránh T_T
Cảm ơn Mở đã chịu khó tổ chức các buổi viết hàng tuần để mình có dịp ngồi nói chuyện với mọi người để rồi hôm nay có đủ động lực viết và đăng bài này. Nhân tiện, Mở đang có lớp viết sắp được tổ chức mang tên Writing on the net (WOTN). Với mình thì học WOTN vẫn là một sự đầu tư xứng đáng cho năm 2023 này vì ngoài chuyện học viết ra mình còn học tư duy và có thêm rất nhiều mối quan hệ chất lượng nữa. Tìm hiểu thêm về WOTN tại: https://www.movahoi.com/khoa-hoc/writing-on-the-net
Cảm ơn Kiều Anh, Thái Hà và Thảo Minh đã hiện diện và nói chuyện để chị đủ động lực để viết bài này.
Cảm ơn anh HiếuH không ngừng remind em chuyện học và tìm những góc nhìn vững chắc, nền tảng hơn.
Cảm ơn bản thân vì đã dám một lần nữa bước ra khỏi vùng an toàn.